Theo điều 24 Pháp lệnh ngoại hối  sửa đổi, bổ sung 2013 thì  người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (đổi ngoại tệ) phải được thực hiện tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối và Thông tư số 20/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

Theo điều 3 Thông tư 20/2011 việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng muốn cung cấp dịch vụ đổi ngoại tệ phải đăng ký để được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ.

Chế tài xử lý vi phạm

Về vi phạm hành chính :Theo  Điều 24 Nghị định 96/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

– Phạt 40 đến 80 triệu đồng cho hành vi: mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

 Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng nếu mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 96/2014  là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam với hành vi vi phạm như: chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật; hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Về trách nhiệm hình sự: theo quy định tại điểm i khoản 1 điều 206 BLHS sửa đổi, bổ sung 2017, người nào kinh doanh ngoại hối trái phép mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

DT Law