Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012các vấn đề về đình công được quy định như sau:

Thứ nhất: Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật lao động 2012:

“Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.” 

 

Thứ hai: Đình công trái pháp luật.

Những trường hợp đình công bất hợp pháp quy định tại Điều 215 Bộ luật lao động 2012 bao gồm:

– Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

– Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.

– Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

– Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Thứ ba: Tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 210 BLLĐ 2012

– Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.

– Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.

Thứ tư: Trình tự đình công quy định tại Điều 211 BLLĐ 2012

– Lấy ý kiến tập thể lao động.

– Ra quyết định đình công.

– Tiến hành đình công.

Thứ năm: Quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời gian đình công quy định tại Điều 218 BLLĐ 2012.

– Đối với người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật lao động 2012 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

– Đối với người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Thứ sáu: Các hành vi bị cấm. Căn cứ vào Điều 219 Bộ luật lao động, các hành vi bị cấm trước, trong và sau quá trình đình công bao gồm:

– Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

– Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

 -Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

– Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

– Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ 7: Xử lý cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục. Việc xử lý cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục quy định tại Điều 222 BLLĐ.

DT Law