An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động, bởi vậy ATVSLĐ là một lĩnh vực không thể tách rời của lao động sản xuất.
Theo Luật ATVSLĐ 2015, người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động (Điều 7 Luật ATVSLĐ 2015 quy định Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động).
Bên canh đó, Bộ luật Lao động 2012 đặt trách nhiệm cho tất cả các bên tham gia (người sử dụng lao động và người lao động) phải đảm bảo an toàn nơi làm việc và yêu cầu mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, sức nóng, độ ẩm, tiếng ồn, độ rung, và các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường. Người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động đã được công bố và áp dụng. Người sử dụng lao động phải kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng (Điều 138 BLLĐ 2012 quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động)
Người sử dụng lao động phải cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên, người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trước tiên phải được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động (Điều 139 BLLĐ 2012).