Doanh nghiệp xã hội theo quy định của luật Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xã hội theo quy định của luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp xã hội (DNXH) nhưng có các tiêu chí để xác định DNXH tại Điều 10.

Loại hình doanh nghiệp: Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì DNXH có tiêu chí đầu tiên là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không coi DNXH là một loại hình doanh nghiệp đặc thù riêng mà cũng giống như doanh nghiệp thông thường, DNXH vẫn tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân

Mục tiêu hoạt động :Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Các vấn đề xã hội, môi trường và cộng đồng như bảo vệ môi trường, bảo vệ và đáp ứng các quyền cơ bản của con người thông qua các hoạt động tạo công ăn việc làm cho những nhóm người khó hòa nhập, dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, ô nhiễm

Về mặt pháp lý: khoản 1 Điều 5 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định DNXH phải thông báo cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh, để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động

Yếu tố sinh lợi: đối với DNXH thì yếu tố “sinh lợi” không phải là yếu tố quyết định đến sự ra đời của doanh nghiệp, mà chính từ các vấn đề đang tồn tại trong xã hội. Doanh nghiệp xã hội sử dụng phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.Lợi nhuận mà doanh nghiệp có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được dùng để tái đầu tư vào doanh nghiệp với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội mà DNXH đang theo đuổi.

Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội:   

Cũng theo Điều 10 Luật Doanh Nghiệp 2014 doanh nghiệp xã hội  được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;. DNXH không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp DNXH vi phạm nghĩa vụ này thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo  Điều 40 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

DT Law

 

Chuyên đề pháp lý đã đăng